Superior Double Room
Giá từ 1.100.000 VNĐ
Giá từ 1.100.000 VNĐ
Giá từ 1.400.000 VNĐ
16/12/2017 10:45
Tết là dịp mà ai cũng luôn háo hức mong chờ mỗi dịp cuối năm. Những ngày này, gió đông càng lạnh, dòng người càng vội vã như hối thúc cho sự bắt đầu năm mới đến càng nhanh. Dù là những người con đi xa hay đang sống trên chính đất mẹ quê hương thì bao năm qua những phong tục truyền thống từ ngày xưa vẫn luôn được giữ gìn và không thể thiếu mỗi độ Tết đến Xuân về.
Không giống những phiên chợ hàng ngày trong năm, chợ Tết mang một không khí nhộn nhịp đông vui với tiếng cười nói của trẻ em, người lớn. Cảm giác như chợ Tết là cái điều bắt đầu khuấy động không khí cho thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới. Thiếu đi chợ Tết sẽ thiếu đi hương vị đặc trưng mà không thể tìm được vào bất cứ khoảnh khắc nào trong năm. Mọi thứ đồ cũng nhiều và bắt mắt trên các kệ hàng san sát nhau.
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 - 6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), đôi khi người ta còn treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai. Mặc dù nhiều nơi không còn tục dựng cây nêu nữa nhưng nó mang ý nghĩa rất thú vị. Người xưa tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.
Vào buổi tối, nhiều nhà treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.
Ở miền Bắc bạn sẽ bắt gặp những chợ hoa đào tấp nập bên đường mang theo không khí xuân tràn ngập khắp nơi nơi. Theo quan niệm, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là màu may mắn, như lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Miền Trung và miền Nam lại hay dùng mai vàng hơn, màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang, còn là màu tượng trưng cho vua chúa (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống. Mỗi loài hoa đều mang ý nghĩa khác nhau nhưng nó đều đẹp và trở thành biểu tượng hoa Tết. Mỗi nhà đều cố gắng sắm một cành đào hoặc cành mai để trưng ngày Tết cầu chúc bao điều may mắn tốt đẹp đến với gia đình.
Ngoài ra hầu như nhà nào cũng có những bình hoa để trang trí trên bàn hoặc để thờ. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ…; hoa để trang trí thì đa dạng như hoa hồng, hoa thuỷ tiên, hoa thược dược, hoa violet,...Cây quất thường được trang trí tại phòng khách với những chùm quả vàng mọng thể hiện cho sự viên mãn đủ đầy.
Những câu đối được viết bằng chữ Nho trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên được gọi là câu đối đỏ. Các gia đình thường treo câu đối hai bên bàn thờ để trang trí thêm xung quanh những mâm hoa quả hay lọ hoa màu sắc.
Ông Táo hay còn gọi là Thần Bếp có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình để cuối năm báo cho Trời. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ bếp và nhà cửa để làm lễ tiễn Ông Táo chầu Trời, để báo cáo những điều tốt đẹp và cầu một năm bình an hạnh phúc. Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để lên trời.
Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, khởi đầu cho mọi sự tốt lành. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm, người khách đầu tiên đến thăm gia chủ trong năm mới là người “xông đất”, là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến vận mệnh của cả nhà trong năm mới. Vì thế lựa chọn người xông đất thường được quan tâm và cân nhắc kỹ càng.
Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất và lấy may từ những ngày đầu năm mới. Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Nó tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì tiền ít hay nhiều mà quan trọng là lời chúc là sự may mắn. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người Châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội và còn tượng trưng cho tài lộc - người ta tin rằng mình đang phát tài phát lộc.
Rất nhiều phong tục tốt đẹp và đặc trưng làm nên một cái Tết đầy ý nghĩa và độc đáo của riêng Việt Nam. Có thể nhiều phong tục đã không còn phổ biến ở một số nơi đặc biệt là các thành phố lớn nhưng Tết vẫn luôn đọng lại trong tâm hồn mỗi người một cảm giác xao xuyến một cảm giác lâng lâng khó tả khi thời khắc chuyển giao năm mới đến.
Xem thêm:
>> Chào em trên cung đường lãng mạn nhất Hà Nội
>> Nem Hà Nội - món ăn gây thương nhớ